Việt Nam thời bán sử
Việt Nam 3200 năm lịch sử
Trương Thái Du :"Việt Nam thời bán sử và những thông điệp nhân văn"
(phiên bản tháng 11.2004)Bài viết này gợi mở một khả năng, vẽ nên đôi nét sơ sài nhất về thời bán sử Việt Nam trước công nguyên. Tôi mong người Việt Nam đọc giả thuyết, nghiền ngẫm nó và sẽ phản bác, bổ sung hoặc cải sửa tùy thích, bằng bất cứ lý lẽ khả dĩ nào. Cái được mà tác giả hoài bão ở đây là hậu duệ của vua Hùng, của An Dương Vương sẽ thêm một lần nữa tìm đến với tiền nhân oanh liệt thời khai sử, cùng nhau thảo luận những thông điệp nhân văn ẩn mình trong các truyền thuyết đẹp như tranh thủy mặc. [1] Vài điểm tóm tắt nội dung của giả thuyết:a. Nhà nước Văn Lang sơ khai được hình thành tại Động Đình Hồ (Hồ Nam, Trung Quốc) khoảng năm Nhâm Tuất 1199 TCN. Các vua Hùng cuối cùng trong số 18 vua Hùng đã chạy giặc Sở xuống vùng Phong Châu thuộc đồng bằng sông Hồng khoảng TK 7 đến TK 8 TCN. b. Không tồn tại nước Âu Lạc mà chỉ có nước Tây Âu Lạc do hậu duệ của Thục Hầu (Tứ Xuyên) lưu vong dựng lên, ở khoảng giữa tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây Trung Quốc hôm nay. Âu Lạc nghĩa là Đất Nước. c. Văn minh Thục có niên đại 5000 năm, là một nền văn minh đô thị phát triển rất rực rỡ. Bị nhà Tần chiếm trong thời Chiến Quốc, nhiều nhóm Thục đã di cư. Họ có thể là hạt nhân của văn minh Khơ Me và Chiêm Thành. Người Thục bị Triệu Đà truy đuổi tại Tây Âu Lạc đã chạy xuống đồng bằng sông Hồng, xây dựng đô thị Cổ Loa sơ khai và sau đó bị đồng hóa vào cư dân Văn Lang Phong Châu bản địa.d. Triệu Đà người gốc nước Triệu thời Chiến Quốc, ông ta chưa từng đem quân xuống chiếm đóng đồng bằng sông Hồng.e. Trên trống đồng có ít nhất hai ký tự, đều mang nghĩa Trời, Mặt Trời.f. Giao Chỉ là một địa danh cố định từ năm 111 TCN trở về sau. Trước đó cái tên Giao Chỉ không phải là tên mà người Trung Quốc dùng để gọi vùng đất đồng bằng sông Hồng.1. Lý thuyết địa đàng Phi châu và những cuộc di dânLý thuyết địa đàng Phi châu cho rằng loài người tiến hóa từ giống khỉ tại châu Phi. Những cuộc di cư sau này đã đưa con người đến khắp nơi trên mặt đất. Tôi xin dùng công trình nghiên cứu di truyền của Spencer Wells làm nền tảng cho bài viết này. [2] Mặc dù còn rất nhiều ý kiến của các nhà nhân chủng học thế giới không đồng tình với Wells, nhưng nói chung họ chỉ thắc mắc ở thời điểm di cư. Tôi sẽ dùng cách khảo nghiệm duy lý với văn hóa, khảo cổ và lịch sử để cọ sát với lý thuyết di truyền của Wells, hầu mong đưa ra một giả thuyết tham khảo.Với kết luận của Spencer Wells, tôi tính ra: Cuộc di dân đầu tiên từ Phi châu diễn ra cách nay 60 ngàn năm. Đoàn người đi dọc vùng đồng bằng ven biển Nam Á, đến Đông Nam Á họ chia làm hai nhánh. Nhánh thứ nhất đến châu Úc. Nhánh thứ hai rẽ lên phía bắc, rồi dừng lại khá lâu bên bờ nam Trường Giang. Cuộc di dân thứ hai cũng từ Phi châu cách nay 45 ngàn năm. Họ đến Trung Đông, từ Trung Đông hai phân nhóm đã hình thành tiến vào Ấn Độ và vùng tây bắc Trung Hoa. Cuộc di dân thứ ba (không sử dụng trong bài viết này) diễn ra cách nay 40 ngàn năm, đoàn người đến Trung Á và sau đó tràn qua châu Âu.Tại sao họ ra đi? Tất cả các nền văn minh sơ khai đều thờ mặt trời. Những chữ viết đầu tiên của nhân loại ở khắp nơi tương đồng một cách đáng ngạc nhiên ở chữ “mặt trời”: một vòng tròn có chấm chính giữa. Thần mặt trời ở Ai Cập là Ra, tại Lưỡng Hà là Samat, ở Nhật là Amaterasu O Mikami (Thiên chiếu đại thần, Thái dương thần nữ). Vua của người Trung Quốc và cả người Inca tận châu Mỹ đều tin mình là con trời hoặc con của thần mặt trời. [3] Hình ảnh mặt trời trên trống đồng Đông Sơn thì thật ấn tượng. Về góc độ khoa học, mặt trời là nguồn sống của trái đất, là năng lượng cho tiến hóa. Đi về phía đông, di cư về phương đông chính là đến gần hơn với mẹ mặt trời. Và thật không có hình ảnh nào đẹp đẽ bằng: loài người đã đi theo ánh sáng mặt trời để phủ kín trái đất. Tại sao cuộc di cư đầu tiên của người Tiền Đông Nam Á dừng lại bên dòng Trường Giang mà không phải xa hơn về phía bắc? Trường Giang hung dữ và quá rộng lớn, đã phần nào cản bước đoàn di dân. Thêm nữa, theo ngành thủy văn, Trường Giang dưới tác động của lực coriolis, bờ bắc lở trong khi bờ nam bồi lắng. Cư dân nông nghiệp có xu hướng chọn vùng phù sa màu mỡ định cư lâu dài. [4] Họ chỉ tiến qua bờ bắc khi đối mặt với nạn nhân mãn, hoặc dưới các nguyên cớ khác.Phân nhánh của đoàn di dân thứ hai tiến vào trung lưu Hoàng Hà bằng hành lang Cam Túc, xây dựng nền văn minh tạm gọi là Hoa Hạ. Ba di chỉ đồ đá có mối liên hệ rõ ràng tạo thành tam giác trung tâm của nền văn minh Hoa Hạ: Đại Địa Loan (hơn 8000 năm) nằm ở mạn phải dòng Thanh Thủy, Tần An, Cam Túc; Bán Pha (khoảng 6 ngàn năm) thuộc Tây An, Thiểm Tây; và Giả Hồ (cũng hơn 8000 năm) tại Hà Nam. Bán Pha và Giả Hồ đều về phía bờ nam Hoàng Hà. Ngoài ra trên bờ bắc Hoàng Hà tại làng Đào Tự, Tương Viên, Sơn Tây người ta vừa đào được 1 tường thành dài 130m, 4500 tuổi. [5] Nó cho thấy hướng phát triển ban đầu của văn minh Hoa Hạ. Di vật của Hoa Hạ chứng tỏ nó không dính dáng gì đến con người của bờ nam Trường Giang, vào thời điểm đó. Kiểu hạn canh trong sản xuất nông nghiệp và quần cư tại các khu đô thị sơ khai cũng là đặc điểm riêng biệt của văn minh Hoa Hạ. Như vậy nền văn minh Hoa Hạ hình thành quốc gia Hạ sơ khai, khoảng năm 2200 TCN phần nào đã sáng tỏ. Các nhà khảo cổ cũng tin rằng lúc này chế độ mẫu hệ của văn minh Hoa Hạ dần dần được thay bằng phụ hệ. Những truyền thuyết truyền hiền, rồi truyền ngôi cho em và cuối cùng là cho con trai trưởng của dân tộc Trung Hoa ẩn chứa quá trình biến chuyển kia. [6] 2. Sự hình thành và phân rã văn minh Thần NôngThời điểm dừng lại bên dòng Trường Giang, đoàn di dân Tiền Đông Nam Á đã tạo nên một không gian văn hóa và chủng tộc gần gũi khá rộng lớn: phía nam là đồng bằng sông Cả, sông Mã (Việt Nam hôm nay), phía tây cận cao nguyên Tây Tạng, phía đông giáp biển Thái Bình Dương. Tôi tạm gọi đây là văn minh Thần Nông. Thổ nhưỡng và khí hậu tổng thể của khu vực quy định một số đặc điểm của nền văn minh này: sinh sống bằng nghề nông mà chủ yếu là trồng lúa nước, thuần hóa trâu bò làm sức kéo; nghiên cứu thiên văn lịch pháp phục vụ mùa màng, làm thủy lợi; dùng cây cỏ chữa bệnh và khai sinh Đông Y; sử dụng thành thạo ghe thuyền, đánh cá, khai thác thủy sản; họ ăn trầu, nhuộm răng, xăm mình, cắt tóc ngắn, cài nút áo bên trái…Văn minh Thần Nông phát triển đều đặn, có nhiều thành tựu nhưng lưu cữu hai khuyết điểm rất lớn: không tạo ra được chữ viết (hay ít ra là thứ ký tự phổ thông, tiện dụng); do đời sống tự cung tự cấp gắn chặt với lao động trên ruộng lúa nước nên bảo thủ, dẫn đến mất cơ hội đột phá chấm dứt chế độ mẫu hệ. Hệ quả là nền văn minh Thần Nông tồn tại rất lâu ở dạng thị tộc, bộ lạc hoặc liên minh bộ lạc, chậm vươn đến hình thức nhà nước sơ khai.Sau một thời gian phát triển tại chỗ, những con người của văn minh Thần Nông đủ sức vượt dòng Trường Giang. Họ tiến lên phía bắc, giao tiếp với văn minh Hoa Hạ cũng đang trên đường xuôi về phương nam. Xin hiểu sự giao tiếp này bao gồm cả những tranh chấp, và không thể không có xung đột. Thần thoại Trung Quốc kể chuyện Hoàng Đế đánh nhau với Suy Vưu (con cháu Thần Nông) nói lên điều đó. Văn minh Hoa Hạ và văn minh Thần Nông tiếp xúc nhau ở khoảng giữa hai lưu vực Hoàng Hà và Trường Giang, đã góp phần tạo nên một nền văn minh bắt đầu có hiến sử là văn minh Trung Nguyên – Hoa Hạ (Trung Hoa). Văn minh Hoa Hạ sẵn có phần bổ khuyết khuyết điểm của văn minh Thần Nông. Nó hấp thụ tất cả tinh túy của văn minh Thần Nông để lớn mạnh vượt bậc, rồi quay ra chèn ép chính thân sinh Thần Nông của mình. Song nó cũng thu nhận hình ảnh Thần Nông vào hệ thống huyền thoại Tam Hoàng, Ngũ Đế mô tả thời khởi thủy của mình. [7] Cái tên Trung Quốc bắt đầu sinh ra từ đây. Nguyên thủy, nó mang nghĩa quốc gia ở giữa thiên hạ vì kiến thức đương thời chỉ mới biết hai nền văn minh, hai chủng tộc lớn là Thần Nông và Hoa Hạ. Chỉ một phần đất đai của văn minh Thần Nông hòa nhập với văn minh Hoa Hạ. Phần lớn còn lại vì trải trên địa bàn quá rộng, rải rác suốt bờ Trường Giang, đặc biệt là phía nam Trường Giang, vẫn tách biệt, đây chính là vùng Bách Việt, như cách gọi của người Trung Hoa sau này. Thành công rực rỡ nhất của cuộc liên giao Thần Nông và Hoa Hạ biểu hiện ở nhà nước Sở đông đúc, rộng lớn, giàu có và tiến bộ, từng làm bá chủ chư hầu đe dọa vương triều Thần Chu (chỉ còn là hình thức sau khi nước Sở ra đời). Sở cũng là nước kế cuối trong lục quốc bị Tần thôn tính sau này, bằng rất nhiều binh lực và xương máu, dù Sở giáp ranh với Tần. Tuy vậy, chưa đầy 13 năm sau khi mất nước, một vị anh hùng có tiền nhân đời đời làm tướng nước Sở là Hạng Vũ, đã đứng lên lấy danh nghĩa phục Sở tiêu diệt nhà Tần, chia đất cho thiên hạ và tự xưng là Tây Sở Bá Vương. Năm 202 TCN Hạng Vũ bại vong trước Lưu Bang. Cao Tổ nhà Hán cũng là người nước Sở. Lịch sử bi hùng của nước Sở tồn tại hơn 500 năm đã vĩnh viễn khép lại.Lịch sử nước Sở bắt đầu bằng việc Thành Vương phong tước Tử của nhà Chu cho Mị Dục Hùng, [8] ở vùng biên viễn phía nam vương quốc Chu. Dục Hùng vốn từng lập công với nhà Chu. Đến đời Hùng Thông, hậu duệ của Dục Hùng (khoảng đầu thời Đông Chu, dưới ngai Hoàn Vương năm 719 đến 697 TCN), nước Sở đã tiêu diệt và sáp nhập rất nhiều lân bang và bành trướng đến vùng Trường Giang. Dù không được Hoàn Vương chấp nhận, Hùng Thông vẫn tự xưng là Sở Vũ Vương và làm chủ các nước chư hầu ở phương đông. Hùng Thông mất, con là Hùng Si nối ngôi cùng các vương triều tiếp theo mở rộng nước Sở xa dần về hướng đông nam, vượt qua dòng Trường Giang hùng vĩ. 3. Nhà nước sơ khai Văn LangNhững biến cố lịch sử diễn ra trên mảnh đất Việt Nam tương đối rõ ràng từ thời Mê Linh liệt nữ trở về sau. Sách sử xưa nhất do chính người Việt viết còn lưu truyền đến ngày nay chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ 14. Tuy nhiên có một truyền thuyết được nhắc đi nhắc lại là thủy tổ Kinh Dương Vương là cháu 4 đời của Thần Nông, Kinh Dương Vương lấy Long nữ Động Đình Hồ sinh ra Lạc Long Quân. Lạc Long Quân cưới Âu Cơ và đẻ 100 trứng, nở trăm con. Cuộc chia ly êm dịu diễn ra sau đó: Âu Cơ đem 50 người con lên rừng, Lạc Long Quân dẫn số còn lại xuống biển. Nước Văn Lang do Hùng Vương, người con cả theo Lạc Long Quân dựng lên, đóng đô ở Phong Châu, vùng trung du tương đối bằng phẳng thuộc đồng bằng sông Hồng. Rõ ràng đã có một cuộc di cư nằm ẩn trong chính truyền thuyết trên. Khoảng cách giữa Động Đình Hồ và Phong Châu là gần 1000 km theo đường chim bay. Sâu hơn nữa, tham khảo Bình Nguyên Lộc, tôi nghĩ có lẽ truyền thuyết 100 trứng kia nói về cuộc chia tách đại chủng tộc Thần Nông làm hai nhánh lớn: Tây Âu và Lạc Việt. Người Tây Âu đi về vùng núi non phía tây, và ít nhiều thay đổi tập quán sinh sống truyền thống của nền văn minh Thần Nông. Người Lạc Việt tản về phương đông và lưu giữ gần đủ đặc điểm cũ. Bản thân Tây Âu và Lạc Việt vẫn tiếp tục phân hóa thành nhiều nhóm nhỏ nữa. Con số 100 trứng, đáng ngạc nhiên, trùng khớp với tên Bách Việt mà người Trung Hoa đặt ra, để gọi những nhóm dân bờ nam trung và hạ lưu Trường Giang. Đây rõ ràng là dấu vết giao lưu văn hóa Thần Nông và Hoa Hạ, bởi Kinh Thi có câu “Tắc bách tư nam” (hàng trăm con trai), vậy một trăm hay bách nghĩa là nhiều. Nếu đồng ý với không gian truyện cổ tích là Kinh Dương Vương sinh Lạc Long Quân ở Ngũ Lĩnh (rặng núi phía nam Động Đình Hồ) thì sẽ giải mã được “giặc Ân” trong một truyện cổ tích khác là “Thánh Gióng”. Thật vậy, Ân – Thương mất nước bởi dân Chu năm 1066 TCN, việc họ nam tiến trước hoặc lưu vong sau thời điểm 1066 TCN và đụng độ với Lạc Việt là hoàn toàn có cơ sở. Khảo cổ học đã xác định tương đối chính xác kinh đô Ân – Thương nằm giữa tỉnh Hà Nam hiện đại, cách Động Đình Hồ chỉ vài trăm cây số theo đường chim bay. Rất có thể liên minh thị tộc mẫu hệ Văn Lang, hạt nhân của Thần Nông và Lạc Việt, hình thành ở khu vực từ rặng núi Ngũ Lĩnh đến bờ nam Trường Giang mà trung tâm là Động Đình Hồ, sau khi nhà nước Ân – Thương ra đời (khoảng năm 1700 TCN). [9] Tôi tạm tính một đời vua Hùng trung bình 25 năm, chuyện Thánh Gióng xảy ra năm 1066 TCN, suy ra Hùng vương thứ 18 lên ngôi năm 741 TCN. Con số 741 TCN rất thuyết phục, vì nó xê dịch không nhiều với năm tháng nước Sở hình thành và bành trướng về phía nam. Đại Việt sử ký toàn thư ghi năm thứ nhất họ Hồng Bàng là năm NHÂM TUẤT 2079 TCN. Theo chuỗi luận của tôi đưa ra thì kỷ nguyên Văn Lang bắt đầu cũng từ năm Nhâm Tuất nhưng là NHÂM TUẤT 1199 TCN.Văn minh Trung Hoa phát triển xuống, những con người bất khuất nhất không chịu đánh mất bản sắc và lề thói để hòa nhập với văn minh Trung Hoa đã ra đi. Kẻ ở lại cùng người mới xây dựng nên nước Sở. Là cư dân sinh sống bằng ruộng lúa nước, sử dụng thành thạo thuyền bè nên cuộc di cư hình thành hai cách lên đường chính là bộ hành và hải hành, họ chia thành nhiều nhóm thị tộc nhỏ túa về ba phương Tây – Đông – Nam hoặc xuôi Trường Giang ra biển. Mục đích đầu tiên của họ là tìm kiếm một vùng đồng bằng sông nước khác lập nghiệp. Những con người giỏi giang nhất luôn đi xa nhất, tìm được mảnh đất ưng ý nhất, và cuối cùng họ đã đến miền bắc Việt Nam ngày nay. Hiện thực thế kỷ 21 chứng minh điều đó, hậu duệ của đoàn người lưu vong kia lập nên Việt Nam, quốc gia duy nhất trong Bách Việt không bị Hán hóa và thâu nhập đất đai và con người vào nền văn minh Trung Hoa.Đất mới lúc ấy cũng có thể đã có người sinh sống, nhưng chắc chắn dân cư rất thưa thớt, đầm lầy nhiều, rừng nhiệt đới rậm rạp, mùa mưa thì ngập lụt tràn lan. Vì lẽ đó vùng định cư trung tâm được chọn là miền trung du Phong Châu cao ráo. Mang trọn bản sắc Văn Lang ra đi, những con người bất khuất, yêu chuộng hòa bình và tự do vẫn gọi quê mới là Văn Lang, lãnh tụ của họ xưng là Vua Hùng, danh chính ngôn thuận tiếp nối Vua Hùng của nước Văn Lang ở Động Đình Hồ. Hành trình tìm kiếm Phong Châu còn ít nhiều đọng lại trong truyện Sơn Tinh – Thủy Tinh, ở đời vua Hùng thứ 18.Các di chỉ khảo cổ đã khai mở ở Việt Nam không thể bác được giả thuyết di cư này: Phùng Nguyên niên đại 3500 năm (chưa có đồ đồng), Đồng Đậu niên đại trên 3000 năm, Gò Mun vào cỡ thế kỷ 8 TCN, Đông Sơn thế kỷ thứ 7 TCN. Đặc biệt, mọi di chỉ đều nằm trên các khu đồi cao ráo, càng củng cố dự đoán về thổ nhưỡng đã nói. Niên đại xa nhất của trống đồng tìm được ở Việt Nam và Trung Quốc cũng rất gần nhau: khoảng TK 7 đến TK 8 TCN. [10] Địa bàn chính đào được trống đồng rất rộng lớn, nó bao gồm bắc Việt Nam, Tứ Xuyên, Vân Nam, Quí Châu, Quảng Đông. Ba nơi nhiều trống đồng nhất là Đông Sơn (Thanh Hoá, Việt Nam), Vạn Gia Bá (Vân Nam) và Khu tự trị dân tộc Trang (Quảng Tây). Đáng ngạc nhiên là kiểu trống đồng đẹp nhất cũng là kiểu xưa nhất. Giả thuyết của tôi lý giải được điều này: trên đỉnh cao của mình, nhà nước Văn Lang sơ khai ở Động Đình Hồ, vừa bị văn minh Trung Hoa chèn ép, vừa không vượt lên chế độ phụ hệ được, đã phân hóa thành nhiều nhóm thị tộc nhỏ trôi giạt khắp nơi. Kỹ nghệ đúc đồng tuyệt diệu của họ lan về các hướng theo đoàn di dân. Và thật đáng tiếc, từ đây nền văn minh khu biệt của từng đoàn người lưu vong lần hồi thoái trào, trống đồng ngày càng thô hơn.Văn Lang Phong Châu ở góc độ nào đó, là bước lùi so với Văn Lang Động Đình Hồ. Con người Văn Lang mất quá nhiều thứ trên đường đến châu thổ Hồng Hà. Ràng buộc giữa các thị tộc ngày càng lỏng lẻo, dân ít, địa bàn cư trú dàn trải, lũ lụt chia cắt, dần dần thủ lĩnh tối cao mất hết quyền lực, trở thành biểu trưng tinh thần đơn thuần. Hình ảnh vua Hùng trong thực tế cuộc sống tự động biến mất, nhưng nó mãi mãi lưu truyền giữa tâm thức con người Văn Lang để hoài nhớ về một thời hoàng kim bất diệt.4. Giải cấu truyền thuyết An Dương Vương Gần đây, việc khám phá di chỉ Tam Tinh Đôi [11] cách Thành Đô 40km (Tứ Xuyên, Trung Quốc) đã hé mở một nước Thục cổ đại có lịch sử từ năm 3000 TCN. Văn minh Thục phát triển rực rỡ, đã hình thành lối quần cư đô thị bề thế hơn cả đỉnh cao triều đại Thương – Ân. Họ là dân tộc đầu tiên của nhân loại biết sử dụng gạch chưa nung để xây nhà cửa, thành quách. Phải chăng họ là nhánh “lên ngàn” của văn minh Thần Nông hoặc một nhánh của đoàn di dân Tiền Đông Nam Á? Sử ký, phần “Truyện Trương Nghi” kể rằng Tần Huệ Vương đã nghe lời Tư Mã Thác đánh Thục, truất phế Thục Vương làm chức Hầu. Như vậy hoàn toàn có khả năng Thục Hầu và nhân dân Thục muốn tránh nhà Tần bạo ngược đã lên đường lưu vong. Đoàn người đi về phương Nam tạo nên cộng đồng Khương, sau này bị nhà Hán lấn tiếp, họ theo dòng Cửu Long đến vùng đất Campuchia ngày nay và góp phần xây dựng nên nền văn minh Khơ Me kiêu hùng. Đoàn người đi về hướng đông dừng chân ở vùng giáp ranh tỉnh Quảng Đông và Quảng Tây, lập nên nước Tây Âu Lạc. Chương “Nam Việt Úy Đà liệt truyện” của Sử Ký chép về nước Tây Âu Lạc này rất rõ, nhiều sử gia không liên hệ được sử liệu đã mạnh dạn nghĩ Tư Mã Thiên viết nhầm Âu Lạc thành Tây Âu Lạc!Sau khi gồm thâu lục quốc nhất thống Trung Nguyên, năm 214 TCN Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư đem 50 vạn quân và dân ô hợp vượt Ngũ Lĩnh, đánh Bách Việt chiếm lấy vùng đất phía đông nam nước Tần rồi lập ra các quận Quế Lâm, Tượng Quận, Nam Hải. Nước Tây Âu Lạc của Thục Phán nằm trong Tượng Quận. Nước Văn Lang Phong Châu phía nam Tượng Quận, hoàn toàn không dính dáng đến cuộc chiến kia. Nhân dân Tây Âu Lạc không chịu làm nô lệ đã vào rừng kháng chiến và kết quả là đã giết được Đồ Thư. Sách sử Việt Nam và Trung Quốc đều ghi nhận sơ sài Triệu Đà người huyện Chân Định (nay thuộc Hà Bắc, TQ). Không ai xét sâu hơn Chân Định vốn là đất Triệu thời chiến quốc. Sử Việt chép theo sử Trung Quốc, còn sử Trung Quốc tuân thủ tư tưởng đại nhất thống của triết học Tiên Tần (khởi đi từ Khổng Tử, với nguyên ủy “Tôn Chu nhương Di, nội chư Hạ nhi ngoại Di địch”) nên xóa hẳn các tên gọi của Tam Tấn. Tần Đại Đế áp dụng thành công tinh hoa nhân đạo của triết học Tiên Tần, đã chấm dứt vĩnh viễn cảnh chiến quốc nồi da xáo thịt. Tần Thủy Hoàng ra đời tại kinh đô Hàm Đan nước Triệu. Mẹ Triệu Cơ của ông, được Sử Ký ghi nhận là con nhà tai mắt tại đấy. Khi cha ông theo Lã Bất Vi trốn về Tần, mẹ con Tần Thủy Hoàng phải ẩn mình trong dân chúng Triệu và chịu nhiều cảnh cơ cực. Sau khi Trung Nguyên nhất thống, người Triệu lại phải họa đi xây Trường Thành, họ căm tức vua Tần nên bịa chuyện dè bỉu Tần Thủy Hoàng là con hoang của Triệu Cơ và Lã Bất Vi. Dân gian còn đem cả nàng Mạnh Khương gần hai trăm năm trước từ nước Tề đến khóc bên Trường Thành để trù úm đại công nghiệp của Tần Đại Đế. [12] Sẵn ác cảm cũ, vua Tần bắt rất nhiều con dân cứng đầu cứng cổ ở Triệu xung vào đạo quân viễn chinh của Đồ Thư. Triệu Đà ở trong số đó. Sau này cháu Triệu Đà là Minh Vương Anh Tề làm con tin ở Trường An cũng thành thân cùng một người con gái nước Triệu (Sử Ký viết là người huyện Hàm Đan). Bà ta chính là Cù hậu, do làm nội ứng cho nhà Hán chiếm Nam Việt, nên đã bị thừa tướng Lữ Gia giết. Những người Triệu bị đày tập trung tại quận Nam Hải thời đó đã quần cư và tạo thành nhóm dân tộc nhỏ mang tên Triều Châu, phía đông bắc tỉnh Quảng Đông Trung Quốc hôm nay.Năm 208 TCN Triệu Đà thành lập nước Nam Việt. Hán Cao Tổ bình định xong Trung Nguyên không còn sức giải quyết Nam Việt, nên năm 196 TCN đành phong Triệu Đà làm Nam Việt Vương, và dặn Nam Việt phải hòa hợp với Bách Việt. Khi Cao hậu tiếm quyền, Trường Sa Vương cấm vận kinh tế Nam Việt hòng làm Nam Việt suy yếu để dễ bề xâm lăng. Triệu Đà lập tức đem quân đánh Trường Sa, cắt đứt đường thông thương với nhà Hán và chốt giữ các nơi hiểm yếu. Cao Hậu sai Lâm Hi Hầu hỏi tội Triệu Đà, chiến cuộc biên cương giằng co hơn một năm rồi nhà Hán bãi binh vì đám tang Cao Hậu.Rảnh tay với Hán, Triệu Đà dùng tiền của đút lót quý tộc Tây Âu Lạc và Mân Việt để hai nước này chịu lệ thuộc. Sự kiện Trọng Thủy kết hôn với Mỵ Châu chắc chắn ghi nhận thỏa hiệp dễ dãi của những người lãnh đạo Tây Âu Lạc trước âm mưu của Triệu Đà. Trận chiến đánh vào lòng người toàn thắng, năm 179 TCN Triệu Đà tấn công và sát nhập Tây Âu Lạc vào Nam Việt. Từ đó Nam Việt rất rộng lớn, Triệu Đà đường hoàng tự xưng Nam Việt Vũ Đế, đi xe mui lụa vàng như vua Hán. Triệu Đà người Hoa Bắc chỉ quen đánh nhau trên bộ, cho nên không thể tồn tại khả năng ông ta đã tấn công An Dương Vương tại đồng bằng sông Hồng. Mãi đến đầu công nguyên đường bộ khai thông Hoa Nam và Bắc Việt mới hình thành bởi người Hán lưu vong tránh họa Vương Mãng, tuy vậy chắc chắn đường rất khó đi nên đoàn quân của Mã Viện mới phải dùng thuyền.Một bộ phận nhân dân Tây Âu Lạc, những con người bất khuất từng giết Đồ Thư, đã đem tàn quân và bầu đàn thê tử chạy đến châu thổ Hồng Hà. Tôi nghĩ có một nhánh nhỏ người Tây Âu Lạc ra đi bằng thuyền đã ghé vào bờ biển trung bộ Việt Nam. Họ trở thành hạt nhân của nền văn minh Chàm bắt đầu khởi sắc từ thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Những liên hệ Thục – Khơ Me – Chàm trong bài viết này chỉ thuần lý thuyết, trên cơ sở nghiên cứu văn bản và hình ảnh, nhưng tôi tin đô thị sơ khai Cổ Loa, cách dùng gạch chưa nung của người Khơ Me và người Chàm chắc chắn có dấu ấn văn minh Thục cổ đại.Người Tây Âu Lạc và người Lạc Việt ở Văn Lang Phong Châu thực ra rất gần gũi về chủng tộc (các nhóm di dân Tiền Đông Nam Á) và có thể cả ngôn ngữ nữa. Nhóm dân Tây Âu Lạc mất nước nhanh chóng hòa hợp cùng nhân dân bản xứ trên mảnh đất bắc Việt, cải tên nước là Âu Lạc. Họ nối các gò đất, đồi nhỏ thành hai vòng đê ngăn thủy triều và nước lụt tại Cổ Loa, Đông Anh và quần cư trong ấy. Hai vòng đê cũng có thể trở thành chiến lũy, tường thành chống ngoại xâm khi cần. Đến năm 43, Mã Viện củng cố hai vòng ngoài và xây thêm vòng thành nhỏ thứ ba ở giữa để tạo nên Kiển Thành. Độ cao của dấu vết tường thành Cổ Loa xưa xấp xỉ cao độ các con đê hai bờ sông Hồng, sông Đuống xung quanh, xác tín giả thiết Cổ Loa vừa là đê vừa là thành lũy. Rút kinh nghiệm xương máu ở Tây Âu Lạc, người Âu Lạc tạo dựng quan hệ ngoại giao mềm dẻo với Nam Việt để yên ổn sinh sống và làm ăn. Năm 111 TCN Nam Việt bị Lộ Bác Đức xóa tên khỏi bản đồ. Nhà Hán cho người sang thuyết phục Âu Lạc theo mình, với chính sách rất thâm độc là để quí tộc Âu Lạc tiếp tục quản lý những vùng đất của họ. Lãnh tụ Âu Lạc phản đối, tùy tướng của ông ta là Hoàng Đồng đã lật đổ vua, quyết định thuần phục nhà Hán trên danh nghĩa để tránh chiến tranh. [13] Năm 110 TCN nhà Hán phong tước cho Hoàng Đồng, Thạch Đái được cử sang làm Thứ sử quận Giao Chỉ, phủ trị ở Long Uyên. Với sự giúp sức của Hoàng Đồng, Thạch Đái ủy lạo và hợp thức hóa danh vị Lạc Hầu, Lạc Tướng bằng ấn đồng đeo cổ. Chắc chắn mục đích tối thượng của Thạch Đái là âm thầm chia rẽ các liên minh của quí tộc Âu Lạc, không cho Lạc Hầu, Lạc Tướng có cơ hội đoàn kết xây dựng nhà nước chống xâm lăng. Từ Thạch Đái trở đi, phủ trị Long Uyên vẫn tồn tại nhưng chức Thứ sử, Thái thú đôi khi khiếm khuyết và quan trấn nhậm cũng chẳng thường xuyên có mặt. Thực ra Hán triều thừa biết ở thời điểm đó cai trị trực tiếp Âu Lạc là không tưởng, vì quân ít, thủy thổ khắc nghiệt và chắc chắn người Âu Lạc sẽ chống đối đến cùng. Lịch sử Trung Quốc cũng ghi nhận sự mệt mỏi của nhà Hán sau những năm dài xâm lược phương nam, nhiều thân vương, đại thần dâng tấu chương đề nghị vua Hán tạm chấm dứt nam tiến. Thậm chí có thời gian dài họ bỏ hẳn, chẳng ngó ngàng gì đến đảo Hải Nam đã chiếm được hoàn toàn năm 111 TCN.Tuy vậy trong hệ thống hành chính Hán, nước Âu Lạc vẫn được chia làm 2 quận là Giao Chỉ và Cửu Chân thuộc Giao Chỉ Bộ. Trung tâm hành chính của Giao Chỉ Bộ là Nam Hải tức Phiên Ngung, kinh đô cũ của Nam Việt. Xin lưu ý Bộ Giao Chỉ và Quận Giao Chỉ là hai tên gọi khác nhau. Sử gia Việt Nam đã nhiều lần nhầm lẫn, họ suy luận tên Quận đặt cho tên Bộ thì hiển nhiên Quận Giao Chỉ phải là trung tâm của Bộ Giao Chỉ. Giao Chỉ mang nghĩa là nơi liên giao giữa Trung Hoa và những khu vực phía nam mà họ chưa có ý niệm rõ ràng. Bộ Giao Chỉ là mảnh đất liên giao của nhà Hán với Viễn Nam, Quận Giao Chỉ lại là mảnh đất liên giao của Bộ Giao Chỉ với các miền xa khác. Theo tôi chuỗi luận để đặt tên Quận Giao Chỉ và Bộ Giao Chỉ là như vậy. Cũng cần hiểu rằng năm 111 TCN kiến thức địa lý của nhà Hán về Quận Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và vùng phụ cận rất mơ hồ. Thời Chu còn có từ “Đông Giao” để chỉ vùng đất phía đông xa xôi. Do đó Giao Chỉ thời Chu chưa chắc là Giao Chỉ thời Hán. An Nam Chí Lược của Lê Tắc viết: “Nhà Tần lấy Giao Chỉ làm Tượng Quận”. Hiểu theo nghĩa Giao Chỉ đã nói thì vùng đất Quảng Tây Trung Quốc thời Tần chính là Giao Chỉ. Khi nhà Tần bành trướng xong Tượng Quận, hiểu biết ngọn ngành về Tượng Quận thì Giao Chỉ dịch chuyển xuống đồng bằng sông Hồng, phía nam Tượng Quận. Nước Âu Lạc vĩnh viễn đi vào quá khứ. Văn minh đô thị mới nhen nhóm ở Cổ Loa đã lụi tàn vì người gốc Thục chia rẽ và mau chóng tự đồng hóa mình với cư dân bản xứ. Đặt giả định Âu Lạc là một nhà nước hoàn thiện, con người Âu Lạc có ý thức sâu sắc về quốc gia và từng bị Triệu Đà thôn tính bằng quân sự (như quan niệm của sách vở chính thống Việt Nam lâu nay), ta sẽ thấy diễn biến lịch sử ôn hòa từ năm 111 TCN đến năm 34 là không bình thường. Sau cả thế kỷ ổn định và phát triển trong nước, xã hội Hán cuối cùng cũng có những thay đổi về chất và lượng, bắt đầu manh nha công cuộc cải cách lớn của Vương Mãng. Đầu công nguyên, lòng tham của vua Hán sống dậy, lập tức Nhâm Diên và Tích Quang được cử sang quận Giao Chỉ và Cửu Chân tiến hành những chính sách mị dân, nhằm thăm dò tiềm lực thuộc địa cũng như khả năng phản kháng của nhân dân nếu áp đặt cai trị trực tiếp. Công việc bọn này chưa xong thì Vương Mãng tiếm ngôi, Trung Nguyên hỗn loạn. Thái thú Giao Chỉ và Cửu Chân không thuần phục Vương Mãng, cắt đứt liên lạc với trung ương, chào đón dân Hán di cư để tạo vây cánh. Ít lâu sau Lưu Tú diệt được Vương Mãng, thành lập nhà Đông Hán. Năm 29 Đặng Nhượng (người thay Nhâm Diên làm thái thú Giao Chỉ) về triều cống Lạc Dương, có lẽ âm mưu cũ đã được Quang Vũ đế cân nhắc. Năm 34 Tô Định nhậm chức Thái thú Giao Chỉ và bắt đầu áp dụng chế độ kềm kẹp hầu mong biến mảnh đất Âu Lạc hôm nào thành miếng bánh ngon trên bàn tiệc thực dân. Dưới sức ép mới, nhân dân Giao Chỉ đã nổi dậy. Mê Linh liệt nữ thất bại trước Mã Viện chính thức biến Giao Chỉ và Cửu Chân thành quận huyện trực trị của nhà Hán, mở đầu kỷ nguyên 800 năm nô lệ cay đắng.Ngoài trọng trách thực dân, Mã Viện phải gánh vác nhiệm vụ dựng cột đồng “chuẩn” ở Giao Chỉ và Nhật Nam để đo bóng mặt trời vào những ngày giờ nhất định trong năm. Từ số liệu ấy, người Tàu sẽ định được vị trí chính xác của Giao Chỉ và Nhật Nam, bổ xung vào địa đồ nhà Hán. Có thể Mã Viện đã bỡn “đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”, song không ngoài mục đích giấu giếm bí quyết khoa học thiên văn địa văn của dân tộc mình dưới màn sương hư ảo. Trường hợp Cao Biền sau này dễ hiểu hơn, ông ta sử dụng thuốc nổ phá gềnh thác hiểm trở cho tàu bè qua lại, nhưng bịa đặt đã dùng phép thuật sai thiên lôi hành sự. Nhà Hán mất 154 năm từ lúc dụ Âu Lạc phụ thuộc đến khi vẽ xong địa đồ Giao Chỉ, Cửu Chân, Nhật Nam và áp dụng chế độ trực trị đến huyện sở. Cách tính 800 năm thực sự bắc thuộc của tôi là có căn cứ (đã bớt ra vài đoạn gián cách người Việt giành được độc lập như thời Lý Nam Đế và Khúc Thừa Dụ).5. Thông điệp nhân vănNgoài yếu tố lịch sử, truyền thuyết Kinh Dương Vương và An Dương Vương còn mang những thông điệp nhân văn luôn cần được con người Việt Nam ở bất kỳ thời đại nào giải mã. Đất nước và tổ quốc: Sử Ký Tư Mã Thiên trong chương “Khổng Tử thế gia” thuật lời Khổng Tử: “Khâu này nghe nói… Quái vật do nước sinh ra là con rồng”. Vậy ta có thể hiểu cha Lạc Long Quân là biểu tượng của “nước”. Ngôi nhà của “nước” tất phải ngoài biển, nghĩa gốc của chữ Lạc chính là “nước”. Mẹ Âu Cơ tượng trưng cho “đất”. Chữ Âu từng được Trần Thánh Tông dùng: “Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã – Sơn hà thiên cổ điện kim âu”. Hồ Quý Ly cũng từng cải tên núi Đại Lại (Vĩnh Lộc, Thanh Hóa) thành Kim Âu. [14] Nền văn minh lúa nước được xây dựng từ “Đất” và “Nước” là điều không ai có thể phủ nhận. Người Việt Nam còn gọi tổ quốc mình là “Đất nước” có nguyên căn sâu xa như vậy. Chuỗi luận này có thể dẫn đến việc giải nghĩa từ Âu Lạc là “Đất nước”. [15]Bài học đoàn kết: Mẹ Âu Cơ và cha Lạc Long Quân đã chia rẽ, làm suy yếu nền văn minh Thần Nông. Hai nhánh Lạc Việt và Tây Âu, dù người xuống biển, kẻ lên rừng nhưng đều mất địa bàn sinh sống, phải bước vào hành trình ra đi, trôi giạt. Cả ngàn năm sau họ mới tìm lại được nhau trong nhà nước Âu (Cơ) – Lạc (Long Quân) sơ khai, non trẻ và yếu ớt. Bài học chiến tranh: Mỵ Châu đại diện cho nhân dân Tây Âu Lạc, Trọng Thủy đại diện cho người Nam Việt. Họ chính là nạn nhân đầu tiên và cuối cùng của chiến tranh. Nỗi đau của dân tộc này biến thành ngọc trai, rửa ở cái giếng ai oán thăm thẳm của dân tộc kia, sẽ lấp lánh vẻ đẹp vĩnh hằng của hòa bình và hòa hợp.Bài học cảnh giác: Cảnh giác, trước tiên là cảnh giác với chính mình, cảnh giác với kẻ thù ở hàng thứ hai. Nhà cầm quyền Tây Âu Lạc đã bị vàng bạc và hôn nhân chính trị lung lạc. Ỷ thành cao, vũ khí lợi hại, An Dương Vương buông thả, ruồng bỏ nhân tài Cao Lỗ, khiến nước mất nhà tan. Biển cả và tự do: Lạc Long Quân là con rồng của biển cả. Ông dặn con cháu nếu nguy cấp hãy quay về phía biển gọi “Cha ơi!”. Bại trận, An Dương Vương ra bờ biển, lạnh lùng xử tử Mỵ Châu rồi lấy sừng tê rẽ nước mà đi. Thông điệp “ra với biển” đã trở thành tiềm thức trong khối óc mỗi con người Việt Nam từ đó trở đi. Sau này dân Việt Nam đã hơn một lần ra với biển đi tìm tự do: những tùy tướng của Mê Linh Liệt Nữ chạy vào Cư Phong rồi lên thuyền thẳng tiến đến Malacca, họ là người Minangkabau ở Maylaysia và Indonesia hôm nay; hậu duệ nhà Lý thì giong buồm đến Cao Ly; Hồ Quý Ly đáng lẽ không bị bắt làm tù binh nếu không tắp vào bờ biển bắc trung bộ… Thông điệp “ra với biển” ở thế kỷ 21 chắc chắn là mở vòng tay Việt Nam với bè bạn năm châu, từ bỏ suy nghĩ thủ cựu, chấm dứt các hình thức bế quan tỏa cảng.6. Từ Kinh Dịch đến chữ viết của tổ tiên người Việt NamTrong quá khứ, không ít sử gia như Kim Định đã nghiệm rằng Kinh Dịch chứa rất nhiều yếu tố vay mượn từ văn minh Thần Nông. Gần đây một bài báo ở Việt Nam tự hào tuyên bố Kinh Dịch chính là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt. Tôi quan sát rất kỹ các tranh luận xưa nay và tự hỏi: “Ngôn ngữ điện toán hiện đại chỉ cần hai tín hiệu CÓ và KHÔNG, khi thể hiện trên giấy nó tương đương số 1 và số 0. Não điện toán dễ dàng đọc mọi văn bản chỉ toàn 0 và 1 đan xen, nối nhau thành chuỗi, vì tốc độ xử lý thông tin của nó rất cao. Nguyên lý khởi đầu của Dịch là Âm Dương sinh Lưỡng Nghi, Lưỡng Nghi sinh Tứ Tượng, Tứ Tượng sinh Bát Quái. Sau Bát Quái còn có thêm 64 Quẻ. Ký hiệu Dương là một vạch liền, Âm là một vạch đứt. Hoàn toàn tồn tại khả năng văn minh Trung Hoa đã mượn thứ ký hiệu này của văn minh Thần Nông và phát triển thành Kinh Dịch. Như vậy tại sao không thể đặt giả định hệ thống ký hiệu xây dựng từ hai đơn tố Âm và Dương là những chữ cái của một thứ ngôn ngữ bí hiểm nào đó trong văn minh Thần Nông”.Đến đây thì tôi thấy cần xét lại một “khuyết điểm lưu cữu lớn” của văn minh Thần Nông là không có chữ viết, đã đề cặp ở mục số 2. Hai đơn tố Âm và Dương rõ ràng đã đan xen, tạo thành chuỗi. Việc nó có thể dùng làm số đếm (hệ nhị phân), chữ cái hoặc chữ viết hay không, không còn phụ thuộc vào khả năng biểu đạt của hai đơn tố ấy, mà phụ thuộc vào khả năng xử lý tín hiệu của con người thời đó. Tôi đã loại bỏ được chất hoang tưởng trong giả định của mình.Tôi đã đến viện bảo tàng lịch sử thành phố Hồ Chí Minh xem 1 chiếc trống đồng Đông Sơn. Trống đồng là linh vật của dân tộc Việt Nam. Rất nhiều nhà khoa học đã đồng ý trống đồng lưu giữ dấu ấn thờ mặt trời của con người buổi bình minh lịch sử. Ở giữa mặt trống có mặt trời tỏa tia. Nửa ngoài mặt trống có 2 cặp vòng tròn đồng tâm chứa rất nhiều vạch liền xếp cạnh nhau. Theo ngôn ngữ Dịch, một vạch là Dương (trong lưỡng nghi), hai vạch là Thái Dương (trong tứ tượng), ba vạch là Càn (trong bát quái), sáu vạch là Càn Vi Thiên (trong 64 quẻ). Tất cả đều chỉ mặt trời hoặc ông trời. Nếu nói những nét liền kia nằm cạnh nhau là những chữ CÀN - CÀN – CÀN… liên tục tức TRỜI - TRỜI - TRỜI… liên tục thì khả dĩ chăng? Hay Thái Dương – Thái Dương – Thái Dương…? Đây chỉ là sự tình cờ thì thật lạ. Nhiều vạch quá, nhìn qua tủ kiếng tôi không thể đếm được bao nhiêu vạch. Nếu tổng số các vạch đó luôn chia hết cho 6, ở bất cứ chiếc trống đồng nào thì giả thuyết của tôi hữu lý nhất. Ngoài ra còn có một vòng tròn đồng tâm khác chạy những đường hoa văn hình “dấu ngã”, liên kết các “dấu ngã” này là những vòng tròn nhỏ, có chấm chính giữa. Đây cũng có thể là chữ “mặt trời” giống như chữ “mặt trời” ở nhiều nền văn minh sơ khai khác. Giả thuyết tôi đưa ra nếu đúng sẽ dẫn đến sự xét lại: Ngôn ngữ Dịch là của văn minh Thần Nông. Dùng cơ sở “Phục Hy đặt ra bát quái” [16], Khổng Tử đắp tượng Văn Vương và Chu Công cho học thuyết của ông, bằng cách khẳng định hai người này đã viết “Thoán từ” và “Hào từ”. Khả năng “Thoán từ”, “Hào từ” và “Dịch truyện” đã được chính Khổng Tử biên soạn, là rất lớn. Cho đến lúc này, theo tôi, chỉ nên đặt câu hỏi Kinh Dịch là di sản sáng tạo của tổ tiên người Việt Nam chăng? Chúng ta chưa có nhiều bằng chứng thuyết phục, chưa so sánh được ngôn ngữ Dịch khởi thủy với Kinh Dịch. Lịch sử Trung Hoa vẫn tồn nghi nguồn gốc Kinh Dịch hai ngàn năm nay. Người Việt Nam hiện đại đang có niềm tin xác đáng hơn bao giờ hết để bước vào cuộc truy tìm bản quyền Kinh Dịch. “Mỏ vàng nhân văn” này hứa hẹn trữ lượng nguồn sống tinh thần vô biên cho con cháu Tiên – Rồng. Tóm lại, tôi tạm dừng công việc của mình ở đây. Nếu có những người ủng hộ trí tưởng tượng của tôi, xin hãy tìm đến các di vật khảo cổ. Câu trả lời thật thuyết phục còn ở rất xa và có thể chẳng bao giờ ta thấy được. Tuy nhiên trò truyện với các vật tạo tác linh thiêng của tổ tiên mình không bao giờ nhàm chán và vô nghĩa. Dù rằng sẽ không ai chứng minh được tôi đúng song chứng minh tôi sai lại càng khó hơn. Cuối cùng cách giải mã ngôn ngữ trên trống đồng của tôi vẫn nên tham khảo, vì không lời khen tặng nào là quá đáng đối với trống đồng và những con người cổ xưa đã đúc nên chúng.7. Kết luậnBất cứ một giả thuyết nào cũng tự chứa trong nó phản giả thuyết, tức là những yếu tố, những mâu thuẫn có thể triển khai và phá vỡ giả thuyết ấy. Cao Hành Kiện nói rất chính xác: “Những qui luật lớn lao của lịch sử khi không thể giãi bày loài người được, thì con người cũng có thể lưu lại tiếng nói của chính mình. Loài người không phải chỉ có lịch sử, mà còn lưu lại văn học”. [17] Với tư cách một cá nhân đi tìm nguồn cội chính mình, tôi muốn khai thác thật sâu áng văn học dân gian truyền miệng nói về thủy tổ Kinh Dương Vương và An Dương Vương, có tham khảo lịch sử, văn hóa và khảo cổ, để viết nên một thứ tạp văn lịch sử nhiều cảm tính. Hợp nhất - phân rã, lên cao - xuống thấp, chói lọi - lu mờ, thành công - thất bại, quần cư - tản mát, đến và đi… những cặp phạm trù này xoắn lấy nhau, vì nhiều nguyên nhân, liên tục đổi chỗ suốt quá trình hướng tới tương lai của bất cứ một nền văn minh nào trên thế giới. Văn minh Văn Lang và Âu Lạc chẳng thể là ngoại lệ, song sức sống không thể phủ nhận của Văn Lang và Âu Lạc ở chỗ nó đã không bị tiêu diệt hoặc đồng hóa bởi Trung Hoa, một nền văn minh tầm cỡ của nhân loại.Đà Lạt tháng 11.2004Thư tịch và chú thíchNam Việt Quốc Sử, Trương Vinh Phương, Quảng Đông Nhân dân xuất bản xã, 1995.Sử Ký Tư Mã Thiên, NXB VH, 1988.Chiến quốc sách, NXB Trẻ, 1989.Lịch sử văn minh thế giới, NXB Giáo Dục, 1999.Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam, Bình Nguyên Lộc, Bách Lộc xuất bản, 1971.Đại cương lịch sử Việt Nam, NXB GD, 2003.Việt Nam sử lược, Trần Trọng Kim.Khâm định Việt sử, Quốc sử quán triều Nguyễn.Và một số trang web.1. Chuỗi tạp văn lịch sử của tôi gồm nhiều chủ đề có liên quan đến thời bán sử Việt Nam, xin tham khảo thêm bài “Từ Hai Bà Trưng đến những khắc khoải lịch sử - Phiên bản tháng 6.2004” và “Bảo tàng lăng mộ Nam Việt Triệu Văn Vương tại Quảng Châu – Phiên bản tháng 3.2004”.2. [news.nationalgeographic.com]3. Ông trời là mặt trời đã được người Trung Hoa nhân cách hóa, đây là dấu vết rõ ràng của việc hình thành tín ngưỡng tế tự trời đất của văn minh Trung Hoa.4. Bạn đọc thử xem xét các thành phố lớn ở Việt Nam: trên con đường nam tiến của những con người sinh ra từ nền văn minh lúa nước, nơi đặt đô thị dần dần chuyển vị trí từ bờ bồi (phù sa màu mỡ) sang bờ lở (thuận tiện cho thủy vận giao thương). Hà Nội và Hải Phòng gốc đều bên mạn nam sông Hồng và sông Cấm. Huế trải suốt hai bờ Hương giang. Đến Đà Nẵng và Sài Gòn thì chỉ phát triển ở bên lở của sông Hàn và sông Sài Gòn. Văn minh đô thị Việt Nam thành hình, yếu tố cần cho thương gia đã thắng yếu tố thiết yếu với nhà nông. Hai trung tâm buôn bán cổ là Phố Hiến và Hội An tọa lạc tại bờ lở, càng nhấn mạnh lập luận của tôi.5 Bạn đọc có thể kiểm chứng thông tin khảo cổ Trung Quốc tôi đã đề cặp tại rất nhiều trang web tiếng Anh. Phiên âm La Mã của các địa danh này như sau: Dadiwan, Gansu ( Đại Địa Loan, Cam Túc); Banpo, Shaanxi (Bán Pha, Thiểm Tây), Jiahu, Henan (Giả Hồ, Hà Nam); Taosi, Shanxi (Đào Tự, Sơn Tây).6. Khái niệm mẫu hệ và mẫu quyền có khác nhau nhưng phụ hệ và phụ quyền lại gần như là một. Chế độ mẫu hệ qui định những đứa con trong một gia đình mang họ mẹ, chỉ các con gái mới được giữ quyền thừa kế. Mẫu quyền thì đi xa hơn, quyền hành gia đình và xã hội nằm tất ở nữ giới, lãnh tụ chắc chắn phải là nữ giới.7. Người Việt Nam hiện đại hay lầm lẫn ở đây, họ cho rằng Thần Nông là người Tàu, họ đôi lúc phản đối việc xem thủy tổ Kinh Dương Vương của mình là cháu Thần Nông. Có người góp ý với tôi: nếu Thần Nông gốc Tàu thì họ đã gọi là Nông Thần.8. Tiên tổ vua Sở là Mị Dục Hùng, con cháu ông ta lấy tên tiền nhân làm họ, có vẻ rất giống một vài nhóm dân tiền Đông Nam Á như Khơ Me. Con gái Vua Hùng tục gọi Mị Nương. Nước Sở còn có tên gọi khác là nước Kinh! Những cái tên chồng chéo này chắc chắn phải có mối tương giao văn hóa nào đó.9. Nếu khảo cổ Việt Nam tìm ra bất cứ di chỉ đồ đồng nào, niên đại trước 1700 TCN, có liên hệ rõ ràng với các di chỉ đồ đồng đã công bố như Đồng Đậu, Gò Mun, Đông Sơn; giả thuyết của tôi sẽ hoàn toàn sụp đổ.10. Xiaorong Han, Who invented the Bronze Drum? Nationalism, Politics, and a Sino - Vietnamese Archaeological Debate of 1970s and 1980s. Asian Perspectives, Vol.43, Spring 2004.11. [www.china.org.cn]12. Sách Mạnh Tử có nói “Vợ Hoa Chu và Kỷ Lương khóc chồng mình mà biến cải được phong tục trong nước”. Câu này vốn lấy từ chuyện nàng Mạnh Khương nước Tề khóc tế chồng chết trận làm thành lũy sụp mấy thước. Đây cũng là thông điệp thù oán chiến tranh, yêu chuộng hòa bình của nhân dân Trung Hoa thời chiến quốc.13. Kịch bản này không hề vô tưởng, nó đã từng xảy ra với Mân Việt năm 135 TCN.14. Xin các bậc thông Nho đọc đến đây đừng bảo tác giả nói bậy về chữ Âu. Tôi tin âm Âu mang nghĩa Việt nhưng phải mượn chữ Hán để viết. Tôi muốn bỏ qua chữ Hán mà giải cấu phần ngữ âm. 15. Nếu bạn đọc thay các chữ “Âu” bằng “Đất”, “Lạc” bằng “Nước” vào toàn bộ bài viết này, tôi tin nội dung tôi muốn chuyển tải sẽ sáng tỏ hơn nhiều. Biết đâu cuộc chia ly của cha rồng mẹ tiên trong truyền thuyết lại chính là dấu ấn của một đợt hạn hán khủng khiếp nơi đồng bằng phía nam trung lưu Trường Giang.16. Phục Hy là một nhân vật cổ tích rất phức tạp. Các yếu tố của văn minh Thần Nông và Hoa Hạ đan xen, chồng chéo và hòa lẫn vào nhau tạo nên Phục Hy. Trong khuôn khổ có hạn của bài viết cụ thể này, giải mã hình tượng Phục Hy sẽ khiến mạch văn đứt gãy. Xin hẹn bạn đọc cơ hội khác.
Comments
Post a Comment